Về lá cờ Hổ tại bảo tàng Quân đội Pháp

Trong khuôn khổ dự án Hoa Văn Đại Việt nhằm số hóa các hoa văn trên vật dụng kiến trúc thời xưa nhằm mục đích ứng dụng, có một đồ án thêu hình con hổ trên một lá cờ tại bảo tàng Quân Đội Pháp. Một số phản hồi của dư luận cho rằng đó là lá cờ của phỉ Cờ Đen người Pháp thu được tại Bắc Bộ, chứ không phải lá cờ của nhà Nguyễn. Thực hư ra sao?

Qủa thực trên 1 link tiếng Pháp của bảo tàng, lá cờ này được chú thích là “Drapeau des Pavillons Noirs, XIX” – nghĩa là “Lá cờ của quân Cờ Đen, thế kỷ 19”.co-ho-vy-caption-2

Tuy nhiên trên link của triển lãm “Đông Dương, đất và người” của bảo tàng mà dự án Hoa văn lấy hình ảnh thì chú thích lại là “Annamite Flag, 1885” – “Cờ An Nam, 1885”.

co-ho-vy-caption

Thực tế, trong bảo tàng cũng có lá cờ thu được của quân Cờ Đen nhưng lá cờ này chỉ có chữ 令 “Lệnh”. Một tấm ảnh chụp trong giai đoạn đó cũng cho thấy 1 người lính Cờ Đen cầm cờ chữ “Lệnh”. Cả 2 lá cờ đều khá đơn điệu, không có đuôi nheo và diềm tua rua như lá cờ hổ. Ngoài những hình ảnh này ra thì chưa thấy các hình ảnh cờ hiệu khác của đạo quân này.

Người lính Cờ Đen cầm cờ chữ “Lệnh”, và cờ chữ “Lệnh” tại bảo tàng Quân đội Pháp

Ngược lại, cờ Hổ vỹ, thêu hình con hổ, là một trong các loại nghi cụ được ghi chép lại trong điển lệ của triều Nguyễn. Tế Nam Giao thì phải có đủ cờ Hổ Vỹ, cờ Báo Vỹ bên cạnh các tinh kỳ mang hình chòm sao khác. Hình ảnh lá cờ vuông thêu hình hổ xuất hiện trong sách “kỹ nghệ người An Nam” của Henry Oger năm 1910. Hình dong của lá cờ này tương đồng với lá cờ thêu hổ trong bảo tàng Quân đội Pháp, với đầy đủ đuôi nheo và tua rua, và tương đồng với lá cờ của Công bộ thượng thư họ Lê thời Nguyễn.

Cờ hổ vỹ trong “Kỹ nghệ người An Nam”, Henry Oger, 1910 (trái) và cờ Công bộ thượng thư họ Lê thời Nguyễn (phải).

Tóm lại, bản thân bảo tàng quân đội Pháp chú thích hiện vật không nhất quán. Sự hiện diện của lá cờ chữ “Lệnh” của quân Cờ Đen tại bảo tàng, và kết cấu của khác lạ của lá cờ này, cộng thêm những hình ảnh cứ liệu về cờ hổ và sự tương đồng kết cấu với các lá cờ hiện vật thời Nguyễn khác, chúng tôi mạnh dạn cho rằng lá cờ hổ trong bảo tàng Quân đội Pháp thực sự là cờ của triều Nguyễn, và bảo tàng đã có sự nhầm lẫn khi chú thích. Tuy nhiên nếu xuất hiện các bằng chứng xác tín khác cho thấy cờ này không phải của triều Nguyễn, dự án sẽ chỉnh sửa và đính chính thông tin.

Mong được sự phản hồi mang tính xây dựng của những người quan tâm

Mái ngói Âu Lạc thời An Dương Vương

Trong quá trình nghiên cứu di chỉ khảo cổ thành Cổ Loa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tòa thành thời An Dương Vương là một công trình hoàn bị với các mái lợp ngói kiên cố thay vì lợp rạ tạm bợ. Đồng thời các hiện vật cho thấy hình thức kiến trúc Âu Lạc đã chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Trung Hoa.

ngoi-co-loa-au-lac-an-duong-vuong

Ngói Cổ Loa tìm thấy ở di chỉ đền Thượng

Các hiện vật này bao gồm các mảnh ngói vỡ và đầu ngói ống có niên đại rơi vào quãng 382-154 TCN (trước và sau thời kỳ nước Nam Việt của họ Triệu). Đáng chú ý, rất nhiều các mảnh ngói này được tìm thấy 2 bên rìa tường thành, gợi ý rằng chúng từng được lợp trên các vọng lâu của tường thành, nhưng sau đó các vọng lâu này đã bị sập đổ và các mảnh ngói rơi xuống 2 bên chân tường.

Như vậy, kiến trúc Âu Lạc lúc này đã ko chỉ dừng ở mái lợp rạ mà đã có mái ngói. Hơn nữa, mái ngói khá phổ biến, xuất hiện cả trên các công trình phòng thủ.

Đặc biệt, ngói ống Cổ Loa có màu sắc, chất liệu, hoa văn trang trí giống ngói có niên đại Tần – Hán. Điều này chứng tỏ văn hóa vật chất Âu Lạc đã chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mô hình kiến trúc có mái ngói thời Hán thuộc

Nguồn:

Trung tâm nghiên cứu hoàng thành, Kinh đô Cổ Loa – Trong Lịch sử hình thành Văn minh Đại Việt.

Bổ Tử Việt Nam tại bảo tàng Penn

Các bổ tử Đàng Trong sau cải cách của Võ Vương Phúc Khoát (1744) hoặc thời Nguyễn (đến 1911) tại bảo tàng Penn- Mỹ.

Bổ tử là miếng vải vuông thêu hình chim thú để phân biệt cấp bậc mà các quan từ thời Lê Sơ đến Nguyễn đính trên ngực và lưng quan phục ngày thường. Quan võ thêu hình thú, quan văn thêu hình chim chóc. Theo thông tin của bảo tàng, bổ tử VN khác bổ tử nhà Thanh cùng thời ở việc dùng vải đoạn làm nền.

bo-tu-su-tu-penn-museum

Bổ tử Sư Tử của võ quan Tam Phẩm

bo-tu-chim-penn-museum

Bổ tử Lộ Tư của văn quan Thất Phẩm

bo-tu-hac-penn-museum

Bổ tử Tiên Hạc của văn quan Nhất, Nhị Phẩm

bo-tu-hac-penn-museum-2

Bổ tử Tiên Hạc của văn quan Nhất, Nhị Phẩm

 

 

Về nguồn gốc 3 thanh kiếm trong bộ sưu tập của Cornelis Tromp – On origin of the 3 sabers in the collection of Cornelis Tromp

(see English below)

Bộ sưu tập của Cornelis Tromp lưu trữ tại bảo tàng Rijks Amsterdam gồm 3 thanh kiếm/đao với nhiều yếu tố Nhật Bản phong cách Edo. Nguồn gốc của 3 thanh kiếm này thuộc về Đàng Ngoài hay Nhật Bản? Đó là 1 câu hỏi hóc búa. Tuy nhiên có những chứng cứ nhỏ có thể soi rọi phần nào cuộc tranh luận này.

Thông tin cơ bản

Bộ sưu tập gồm 2 thanh đao dài 99 cm và 1 thanh đao ngắn hơn dài 75 cm. Vật liệu là thép với vỏ gỗ sơn khảm trai và đồng thau. Chuôi kiếm bằng gỗ và đồng thau với đốc 2 thanh kiếm dài bịt sừng tê. Thanh ngắn được bọc bằng 1 lớp da cá nhám. Chuôi 3 thanh đều quấn lụa tạo thành 1 chuỗi hình quả trám dọc theo chiều dài chuôi kiếm. Phần hộ thủ 2 thanh kiếm dài bằng đồng thau, tạo hình như hoa cúc.

ng-nm-6097-d

Hình 1: thanh kiếm ngắn

NG-NM-6097-B.jpg

Hình 1: thanh kiếm dài

Về nguồn gốc của 3 thanh kiếm

Nhìn thoáng qua 3 thanh kiếm, đặc biệt là lưỡi đao và bao hoàn toàn mang phong cách Nhật Bản thời Edo. Tuy nhiên kết cấu của chuôi đao lại cho thấy những dấu ấn Đàng Ngoài rõ rệt. giữa hộ thủ và phần lụa quấn chuôi của 2 thanh đao dài có 1 vòng bằng đồng phình to chạm khắc tỉ mỉ. Phỏng vấn Peter Dekker- 1 trong 2 học giả về vũ khí đã tư vấn cho bảo tàng Rijks về nguồn gốc các thanh đao này (người còn lại là Philip Tom), cho thấy dải đồng phình to này là đặc trưng của đao Đông Nam á không thấy ở Nhật Bản. Thực tế cho thấy bộ phận này trên 3 thanh đao của Tromp đồng dạng với thanh đao Đàng Trong trong bộ sưu tập của Sa Hoàng Peter của Nga cũng như các hiện vật đao thời lê Trung Hưng và Nguyễn còn sót lại (xem hình 3). Có thể thấy rõ họa tiết mây lửa hình đao mác đặc trưng mỹ thuật Việt Nam thời này trên bộ phận kể trên.

hilt

Hình 3: dải đồng phình to trên thanh đao của Tromp (bên trái), trên thanh đao của Sa Hoàng Peter I của Nga (bên phải, phía trên. ảnh: Peter Dekker), trên thanh đao nghi trượng của đền Đô (bên phải, góc dưới). Phần khoanh đỏ là hoa văn mây lửa hình đao mác.

Thông tin của bảo tàng Rijks cho biết thanh đao ngắn không sử dụng chốt để cố định lưỡi vào cán như kỹ thuật của Nhật Bản. Ngược lại, kỹ thuật tra lưỡi không dùng chốt là đặc trưng của Đông Nam á (xem hình 4). Cũng theo 2 học giả Tom và Dekker, đốc bịt sừng tê là đặc trưng của Đông Nam á, không thấy trong kỹ thuật Nhật Bản.

pin.jpg

Hình 4: chốt cố định lưỡi vào chuôi của wakizashi Nhật Bản (bên trái) và chuôi đao không chốt của bảo tàng Rijks (bên phải)

Kết luận

Theo Tom và Dekker, 3 thanh đao này có lẽ đã sử dụng lưỡi nhập khẩu từ Nhật Bản nhưng chuôi và hộ thủ chế tác tại Đàng Ngoài. Vào thế kỷ 16 và 17, đao Nhật Bản rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, Triều Tiên và Đông Nam á, lưỡi đao thường được xuất khẩu với số lượng khổng lồ trong cái gọi là “mậu dịch Kango”, có lúc lên đến 75000 lưỡi đao nhập vào nhà Minh trong 1 thương vụ (theo Dekker).

Tuy không hoàn toàn “thuần Việt” nhưng 3 thanh đao trong bộ sưu tập của Cornelis Tromp mang những dấu ấn Việt Nam không thể chối bỏ. CHúng thực sự là “đứa con mang 2 dòng máu”, thể hiện sự giao thoa giữa mỹ nghệ Nhật Bản và mỹ nghệ Đàng Ngoài, giữa thẩm mỹ Nhật Bản và thẩm mỹ Đàng Ngoài. Điều đó cho thấy một nền văn hóa và kinh tế Đông Kinh sôi động, cởi mở, hướng ngoại và tháo vát.

 

________________________________________________________________

Among Cornelis Tromp’s rack of weapons- presently exhibited at Rijksmuseum in Amsterdam, there are 3 sabers showing heavy Japanese stylistic elements of the Edo period. This give rise to the question of their origin, are they of Japanese or Tonkinese construction? There are several evidences pointing to the answer of the riddle.

Basic features

The 2 longer sabers have a length of 99 cm and the shorter blade is of 75 cm long. The scabbard is lacquered wood with pearl inlay. The hilts are brass with chrysanthemum shaped disc guard. The hilts are capped with pieces of rhinoceros horn.

ng-nm-6097-d

Figure 1: the shorter saber

NG-NM-6097-B.jpg

Figure 2: one of the longer sabers

On the origins of the swords

At first glance the 3 sabers, particularly the blades, appear to be of Japanese style. However, the structure of the hilts tells otherwise. Separating the disc guard and the hilt of the longer swords is a short bulging section made of brass with meticulous engraving. Interview with Peter Dekker (who along with Philip Tom were the 2 independent consultants that advised the museum on the root of these items) shows that the bulging section is unique to South East Asia, which has never been seen in Japanese tradition. It is in fact nearly identical to the 17th century Vietnamese saber in Czar Peter I’s collection. This component can still be seen on a number of extant swords and regalia of the 18th-20th century in Vietnam (see figure 3). The engraved patterns include the motif of blade-like flame or fume which was unique to the Restored Le period. Such motif was widely popular to the point that it appeared on almost everything that was decorated- from altar to building’s brackets.

hilt

Figure 3: the bulging section on Tromp’s saber (left), on Czar Peter I’s saber (upper right, photo: Peter Dekker), on the hilt of a sword imitation belonged to Đô shrine in Bắc Ninh. The circled motif is the blade-like flame/fume.

Description on Rijksmuseum’s website shows that the shorter saber’s blade  is not held to the hilt using a pin like traditionally crafted Japanese sword does . This technique, without a pin, is a South East Asian’s specialty (see figure 4). Also according to Tom and Dekker, the rhinoceros horn caps illustrate South East Asian connection.

pin.jpg

Figure 4: a Japanese wakizashi’s balde held to the hilt with a pin inserted through a hole on the tang (left) and the pin-less hilt of Tromp’s saber (right)

Verdict

Tom and Dekker came to the conclusion that the blades of the swords were most likely Japanese import while the hilts and guards were fabricated in Tonkin. During the 16th and 17th centuries, Japanese blades were a prized commodity among coastal Western Pacific states, and they were traded in bulk, sometimes up to 75 thousands blade recorded.

The swords in Tromp’s rack are not of “pure blood”. They were born out of the union of Japanese craftsmanship and  Vietnamese craftsmanship, of Japanese aesthetic and Vietnamese aesthetic. They are living witnesses of a bygone era of vibrant commercial and cultural interchange in the Far East.

Cung và tên Đàng Ngoài thế kỷ 17 trong bộ sưu tập của Cornelis Tromp- Kì 2

Đi kèm với 2 cây cung là 2 ống đựng 28 mũi tên và 2 hộp đựng dây cung cũng trong tình trạng tuyệt hảo.

ống tên

NG-NM-6094.jpg

Hình 1: ống đựng tên

ống tên làm bằng tre hoặc gỗ, sơn son thếp vàng với chiều dài 77 cm và đường kính 12 cm. Dọc trên thân ống tên có motif trang trí hoa lá mô phỏng gia huy của các gia tộc bên Nhật, tuy không giống y hệt (xem hình 2) . Họa tiết trang trí quanh các lỗ luồn dây bên thân ống thì hoàn toàn là đồ án mây lửa hình đao mác đặc trưng của mỹ thuật Lê Trung Hưng (xem hình 3).

crest.jpg

Hình 2: Họa tiết hoa Bào Đồng trên ống tên của Tromp và hoa Bào Đồng trên gia huy gia tộc Toyotomi

dao-mac

Hình 3: họa tiết mây lửa hình đao mác- đặc trưng Lê Trung Hưng

Mũi tên

NG-NM-6094-A-1.jpg

Hình 4: các mũi tên bằng tre, mũi bằng đồng, chiều dài 75.5 cm

Cung và tên Đàng Ngoài thế kỷ 17 trong bộ sưu tập của Cornelis Tromp- Kì 1

Trong bộ sưu tập của Tiết Chế Cornelis Tromp có 2 bộ cung tên Đàng Ngoài trong tình trạng hoàn hảo.

NG-NM-6093-A.jpg

Mỗi cây cung dài 118.5 cm khi chưa căng. Cánh cung làm từ sừng và gỗ, tay cầm bọc vải đỏ và có 1 dải bịt đồng thau, 1 dải bịt bạc ở 2 đầu phần tay cầm.

Cấu tạo của cánh cung dạng phức hợp (composite) gồm sừng và gỗ, giống với cung các nước phương Đông. Tuy nhiên cấu trúc cánh cung có sự khác biệt căn bản so với các nước khác. Nếu như cung các nước chỉ gồm 1 lớp sừng ở bụng (mặt hướng vào xạ thủ) và 1 lớp gỗ hoặc tre ở lưng (mặt hướng tới mục tiêu) thì cây cung này lại gồm 2 lớp sừng, và lớp gỗ nằm kẹp giữa 2 lớp sừng. Cung các nước dùng keo gắn các sợi gân hoặc sợi vải phía ngoài lớp gỗ để tăng sức đàn hồi, thì 2 cây cung hiện vật này lại cũng thiếu các sợi đó .

Cung sừng của các nước lân cận thường được dự ứng lực, tức là khi chưa căng dây, hình dạng tự nhiên của cánh cung sẽ cong về phía lưng. Khi căng dây cung sẽ cong về phía bụng để tối ưu hóa lực phát xạ (xem hình 2). Ngược lại, cây cung hiện vật ở bảo tàng Rijks khi chưa căng dây thì hoàn toàn uốn về phía bụng. Tuy nhiên- cây cung trong tranh chân dung quận công Vũ Công Chấn thế kỷ 17 lại hoàn toàn là loại dự ứng lực- uốn về phía lưng khi chưa căng dây (xem hình 3).

Về nguồn nguyên liệu chế tác cung, trong Lê Triều Hội Điển có nhắc đến ” trước kia, tất cả trấn thủ các xứ và các chợ trong kinh đều phải nộp 100 tấm da trâu để may quân phục, đồng thời phải nộp kèm mỗi bộ da trâu 2 chiếc sừng” (Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, tr.234). Khả năng cao thời Lê Trung Hưng sử dụng sừng trâu làm cánh cung. Đây cũng là nguyên liệu mà người Mãn Châu và Triều Tiên cùng thời đại sử dụng làm cánh cung. Nhưng thay vì gỗ, các nước này đều dùng tre. 

Thú vị là phần tay cầm phình to với các vòng kim loại gia cố 2 đầu khá giống cung sừng của dân đảo Java (xem hình 6). Phần tay cầm này trên tranh và hiện vật thời Lê đến Nguyễn đều thể hiện khá rõ. Có lẽ cung Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Đông Nam á hải đảo hơn là từ châu á lục địa.

manchu-bowHình 2: Cung dự ứng lực Mãn Châu

cung vũ công chấn.jpg

Hình 3: cung dự ứng lực trong tranh thờ quận công Vũ Công Chấn

 

1974264_10151922283141526_1861486657_o.jpg

Hình 4: cung dự ứng lực của vua Đồng Khánh- bảo tàng Mỹ thuật cung đình. ảnh: Trần Quang Đức

Lục Vân Tiên tk19.jpg

Hình 5: tập bắn cung thời Nguyễn- truyện Lục Vân Tiên, 1898.

javanese-bow-2javanese-bowHình 6: cung sừng của người Java thế kỷ 20, với tay cầm phình to và gia cố bằng dải đồng thau. 2 cánh cung có thể tháo rời và ghép lại ở tay cầm

Vũ khí Đàng Ngoài thế kỷ 17 trong bộ sưu tập của Cornelis Tromp

Opnamedatum: 2011-03-07

Gía vũ khí Đông Kinh (Tonkin) của Cornelis Tromp (1629-1691). Tromp là phó đô đốc hải quân Hà Lan. Bộ sưu tập vũ khí Viễn Đông này được bạn ông là nhân viên công ty Đông Ân Hà Lan ở Jakarta gửi tặng. Tromp trưng bày giá vũ khí này ở vị trí trang trọng tại tư dinh ở Amsterdam. Hiện tại các hiện vật này thuộc sở hữu của bảo tàng Rijks Amsterdam.

Bộ sưu tập bao gồm đầy đủ các loại khí giới phổ dụng từ cận chiến tới đánh xa của thế kỷ 17. Các món vũ khí thể hiện kỹ nghệ chế tác, luyện kim, sơn mài, đẽo gọt bản địa lẫn các yếu tố du nhập từ Nhật Bản và phương Tây. Vật liệu chủ yếu để chế tác là kim loại, gỗ sơn, kèm các vật liệu phụ như da thuộc, gân sừng động vật và lông chim. Họa tiết trên giá được sơn son thếp vàng, là đặc trưng của giai đoạn Lê trung hưng, với các motif quen thuộc như chim phượng, hoa dây, hoa cúc… Họa tiết trên các món vũ khí gồm cả các motif bản địa như hoa mai lẫn motif du nhập như hoa Bào Đồng ngược.

Đại Việt Cổ Phong xin giới thiệu series nhiều kỳ về bộ sưu tập có một không hai này. Mỗi kỳ sẽ bao gồm thông tin về 1 loại khí giới khác nhau.

Nguồn: https://www.rijksmuseum.nl/en/search/objects?set=NG-NM-6087-A#/NG-NM-6087-A,0