Phù Đổng Thiên Vương chính là Tỳ Sa Môn Thiên vương?

Tỳ Sa Môn

Tranh minh họa Tỳ Sa Môn Thiên Vương theo mô tả trong Thiền Uyển Tập Anh: tay cầm thương vàng, tay cầm bảo tháp, mình mặc giáp trụ. Lại theo Lĩnh Nam chích quái: “một người hiện lên giữa sóng lớn, thân cao hơn mười trượng, tóc dựng ngược, trợn mắt giận dữ nhìn, hiển thánh thần quang!“.
Họa sĩ: ấm Chè https://www.facebook.com/warm21/?fref=ts. Tranh có sử dụng đồ án của dự án Hoa Văn Đại Việt https://www.facebook.com/hoavandaiviet/?fref=ts.

Tỳ Sa Môn Thiên, hay còn gọi là Đa Văn Thiên (vị nghe thấy tất cả) (tiếng Hindu: Vaisravana, tiếng Trung: Pi Sha Men, tiếng Nhật: Bishamon) là một vị thần bảo trợ Phật giáo, tương truyền là 1 trong 4 đại Thiên Vương sống ở lưng chừng núi Tô Mê Lư (núi trung tâm vũ trụ) và điều khiển các Dạ Xoa. Vị thần này được thờ phụng ở các nước đồng văn, như Nhật Bản, ngài được coi là vị thần chiến tranh và là 1 vị phúc thần. Ở Việt Nam thì tín ngưỡng thờ Tỳ Sa Môn không tồn tại, nhưng cách đây 1 thiên niên kỷ, vị Thiên Vương này từng là vị thần bảo trợ của vương triều Tiền Lê, và thậm chí có cơ sở cho thấy Tỳ Sa Môn chính là cảm hứng của vị thần Phù Đổng Thiên vương.

Theo sách Thiền uyển tập anh có chép truyện về Tăng thống Khuông Việt triều Lê Đại Hành:
“Khuông Việt thường ngao du núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ và yêu thích phong cảnh u thắng. Sư định xây am và trụ trì ở đó. Một đêm sư nằm mơ thấy có một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải cầm thương vàng, tay trái cầm bảo tháp. Đi theo là hơn mười tùy tùng trạng mạo dữ tợn. Thần nhân bước tới nói: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, các tùy tùng của ta đều là dạ xoa (yaksa). Thiên đế ra lệnh cho ta đến nước này để bảo vệ biên cương, khiến cho Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ông, cho nên ta đến đây để ủy thác cho ông”.

Khuông Việt kinh hoàng tỉnh giấc, nghe thấy có tiếng gào thét trong núi, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sáng ra, Sư đi vào trong núi, thấy có một cội cây lớn cao hơn mười trượng với cành lá xum xuê, lại có một đám mây lành che phủ bên trên. Sư sai thợ đốn cây và tạc thành tượng thần đã thấy trong mơ và lập đền thờ. Vào năm Thiên Phúc thứ nhất (981) quân Tống xâm nhập đánh phá. (Lê Đại Hành) Hoàng đế có nghe câu chuyện kia, sai Khuông Việt đến đền thờ cầu đảo. Quân Tống sợ hãi và bỏ chạy đến Ninh Giang ở Bảo Hựu. Lại thấy gió cuộn, sóng lớn nổi lên, giao long lồng lộn chồm tới. Quân Tống hoàn toàn tan rã”.

Ở đây có thể thấy Tỳ Sa Môn là vị thần quan trọng đối với triều Tiền Lê. Khi có giặc mạnh, vua Đại Hành sai Khuông Việt đến cầu ở đền ngài chứ không phải vị thần nào khác, và theo như truyền thuyết đó thì chính Tỳ Sa Môn đã linh ứng, tạo ra sóng gió để nhấn chìm đoàn quân Tống.

Tuy nhiên câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Có một tình tiết thú vị, đó là tất cả các văn bản muộn gồm Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quais, Thiên Nam Vân Lục đều chép lại câu chuyện về Khuông Việt, chi tiết không thay đổi, trừ tên vị thần. Cả 3 sách trên đều gọi vị này là “Sóc Thiên Vương”.

Đáng chú ý là, địa danh Vệ Linh Sơn nơi Khuông Việt mộng thấy thần, và dựng đền thờ Tỳ Sa Môn chính là Sóc Sơn!

Vậy có thể kết luận có một mối liên hệ giữa Tỳ Sa Môn Thiên Vương và Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương. Thậm chí có thể đặt giả thiết 2 vị này chẳng qua là 1, nhưng trải qua thời gian tên họ đã bị biến đổi.

Tóm tắt từ bài của giáo sư Nhất Hạnh http://giacngo.vn/lichsu/2010/09/27/5FF651/

 

Bình luận về bài viết này